Thứ Năm, 24 tháng 7, 2014

Hầu hết giáo viên trường bạo hành trẻ không có bằng cấp

Là trung tâm nuôi và dạy trẻ chuyên biệt, song phần lớn giáo viên ở Anh Vương không có bằng cấp và nghiệp vụ về nuôi dạy trẻ tự kỷ.
Ngày 23/7, Phòng Giáo dục quận Tân Bình, TP HCM, đã kiến nghị các cơ quan chức năng điều tra, xử lý trung tâm Anh Vương (phường 15, quận Tân Bình) về các sai phạm trong hoạt động kinh doanh. Những trẻ tự kỷ bị nhân viên ở đây bạo hành đã được kiểm tra sức khỏe để làm cơ sở xử lý các hành vi sai phạm cá nhân liên quan.
Trong số trẻ được nuôi dạy tại trung tâm Anh Vương có một em là con của chủ cơ sở, 12 em ở TP HCM và 14 trẻ còn lại đến từ các tỉnh Bình Thuận, Sóc Trăng, Long An... Hiện toàn bộ các em đã được cơ quan chức năng giao lại cho gia đình.
Ông Trần Khắc Huy, Trưởng phòng Giáo dục Tân Bình cho biết, trung tâm Anh Vương có 10 người tham gia giảng dạy và chăm sóc trẻ nhưng chỉ 3 người có bằng tốt nghiệp chuyên về giáo dục đặc biệt. Số còn lại đều không có bằng cấp, hoặc là làm trái ngành nghề đã học. Trong khi đó, với trẻ chuyên biệt, để nuôi dạy, ngoài việc có bằng cấp giáo viên phải có giáo trình và nghiệp vụ riêng.
anh-1-JPG-1255-1406103300.jpg
Ông nội của bé Kỳ Nam - một trong những bé bị bạo hành đến nhận hồ sơ và đồ dùng để chuyển cháu qua trung tâm khác. Ảnh: Nguyễn Loan.
"Sau vụ việc này chúng tôi sẽ kiến nghị với Sở Giáo dục ban hành quy chế hỗ trợ giám sát kiểm tra giữa Sở - Phòng và các cơ quan chức năng để có thể quản lý chặt chẽ hơn các hoạt động nuôi dạy trẻ ngoài trường công lập", ông Huy nói và cho biết quận Tân Bình đã chỉ đạo kiểm tra các cơ sở nuôi dạy trẻ ngoài công lập khác trên địa bàn.
Trung tâm Anh Vương được UBND quận Tân Bình cấp giấy phép hoạt động từ tháng 10/2009, do ông Chu Văn Việt làm chủ với chức năng nuôi dạy trẻ chuyên biệt. Quá trình hoạt động từ tháng 10/2009 đến tháng 12/2011, trường đã vi phạm nhiều quy tắc như không có hiệu trưởng điều hành quản lý chuyên môn; không đảm bảo đủ giáo viên và giáo viên không có bằng cấp chuyên môn.
Chủ trường tự ngưng hoạt động tại địa điểm được cấp phép và chuyển đến địa phương khác mà không thông báo cho cơ quan quản lý giáo dục và chính quyền địa phương; không đăng lao động cũng như chưa ký kết hợp đồng với người lao động; bảo mẫu nhà trường không có chuyên môn nghiệp vụ...
Sau nhiều lần kiểm tra, Quận đã đình chỉ và tước giấy phép hoạt động của Anh Vương. Chủ cơ sở này đã liên hệ với Sở Kế hoạch & Đầu tư TP HCM để xin giấy phép hoạt động với chức năng là nuôi dưỡng người già. Tuy nhiên, trên thực tế Anh Vương tiếp tục nhận giữ và dạy trẻ tự kỷ.
Là một trong những bé bị bạo hành, Phạm Kỳ Nam đã được ông nội chuyển sang trung tâm khác học. Sáng nay, ông nội Nam tới Anh Vương nhận hồ sơ và các vật dụng cá nhân của cháu. Ông cho biết, bố mẹ Nam chia tay từ khi cậu bé còn nhỏ. Nhận cháu về nuôi một thời gian, ông phát hiện dấu hiệu bất thường nên đưa Nam đến Bệnh viện Nhi đồng khám. Bác sĩ cho biết Nam bị tự kỷ tăng động khiến ông rất buồn và càng thương cháu hơn. Sau một thời gian dài tìm kiếm, ông quyết định đưa cháu vào gửi tại trung tâm Anh Vương từ 3 năm nay với mức học phí 8 triệu đồng/tháng.
"Chúng tôi chỉ mong tìm cho cháu một chỗ học để cải thiện tình hình, không ngờ nó lại bị giáo viên ở đây đánh đập", ông nội Nam chua xót nói.
Việc bạo hành trẻ của Trung tâm Anh Vương bị phát giác khi nhiều giáo viên, bảo mẫu dùng khúc gỗ, tay, móc sắt... đánh học sinh. Một người khác cho học sinh ăn nhưng em này chống cự nên dùng hai tay kẹp chặt để đồng nghiệp liên tục đút thức ăn. Nhiều sợi bún lọt lên mũi khiến em bị sặc.
Cũng tại phòng học này nhưng ở thời điểm khác, một giáo viên vừa giơ muỗng cơm lên vừa dùng tay tát, đè cổ đứa bé xuống để ép ăn. Thậm chí, có giáo viên vừa cười vừa dùng tay bóp bộ phận sinh dục của một bé khác mặc cho em này kêu khóc.
Công an quận Tân Bình đang điều tra dấu hiệu tội Hành hạ người khác của các bảo mẫu đánh đập các cháu bé.
Nguyễn Loan

Chàng thủ khoa 'rau muống' xứ Thanh

Bạn bè gọi Nguyễn Kim Anh (thủ khoa khối B, Học viên Quân y) với cái tên thân mật - "thủ khoa rau muống", bởi sau mỗi giờ lên lớp, cậu học trò nghèo thường ra ruộng hái rau muống phụ mẹ lấy tiền đóng học và trang trải cuộc sống.
Hai ngày nay, ngôi nhà nhỏ của gia đình anh Nguyễn Kim Thoa và chị Đào Thị Hiền (ở phường Quảng Hưng, TP Thanh Hóa) luôn rộn rã tiếng cười vì cậu con trai út Nguyễn Kim Anh (học sinh lớp 12C6, THPT Hàm Rồng) vừa nhận tin đỗ thủ khoa khối B, Học viên Quân y.
IMG-0433-JPG-4741-1406108784.jpg
Thủ khoa Học viện Quân y Nguyễn Kim Anh (thứ hai từ trái sang) hạnh phúc bên người thân và cô giáo chủ nhiệm. Ảnh: Lam Sơn.
Cậu học trò nghèo có thân hình mảnh khảnh, nhỏ thó, nước da đen nhẻm nhưng bù lại em có vầng trán rộng toát lên vẻ thông minh và nụ cười hóm hỉnh dễ gần. Kim Anh chia sẻ, đến giây phút này cậu vẫn chưa hết ngỡ ngàng vì kết quả kỳ thi đại học vừa qua.
Để có được thành quả như ngày hôm nay, Kim Anh đã vượt qua nhiều thử thách, mặc cảm vì cuộc sống gia đình khó khăn, bố mẹ quanh năm chân lấm tay bùn.
Ngay khi bước chân vào lớp 10 trường THPT Hàm Rồng, Nguyễn Kim Anh đã định hướng cho bản thân phải tập trung học thật tốt khối A để sau này thực hiện ước mơ thi vào Đại học Bách khoa hoặc Học viện Cảnh sát nhân dân. Ba năm theo học ở trường trung học, Kim Anh đều đạt học sinh giỏi.
Bước sang lớp 12, từ chia sẻ, phân tích, động viên của bố mẹ, em tập trung học thêm môn Sinh để thi thêm khối B vào Học viện Quân y. Kim Anh bảo, bản thân cũng không ngờ, chính khối thi dự phòng này lại mang đến cho em kết quả tốt như vậy.
“Cách đây hai hôm, cô chủ nhiệm gọi điện thông báo, Học viện Quân y có điểm rồi. Cháu nhắn tin qua tổng đài thì họ báo cháu được 28,25 điểm, làm tròn thành 28,5, cộng thêm 0,5 điểm khu vực cháu được tổng 29 điểm. Dù số điểm khá cao nhưng cháu cũng không dám chắc mình có đỗ hay không vì Học viện Quân y thường lấy điểm rất cao. Mãi đến tối 21/7, cô Thủy gọi điện thông báo cháu đỗ thủ khoa, lúc này cả nhà vỡ òa sung sướng”, Kim Anh chia sẻ.
1-1175-1406108784.jpg
Sau mỗi giờ đến trường, Kim Anh lại ra đồng phụ mẹ hái rau muống bán. Ảnh: Lam Sơn.
Kim Anh cho rằng ngoài nỗ lực bản thân thì yếu tố may mắn đóng vai trò khá quan trọng trong việc thi cử. Ngoài kiến thức cơ bản, sự chăm chỉ, miệt mài ôn luyện, đến khi đi thi trúng được đề tương tự dạng từng gặp thì sẽ thuận lợi hơn. Hay khi làm bài cần cẩn trọng từng câu chữ vì có thể có những đề mẹo, nếu mình không tỉnh táo sẽ bị “sập bẫy”.
Ở khối A, Kim Anh thi vào Học viện Cảnh sát nhân dân, tuy chưa công bố điểm nhưng đối chiếu đáp án thì rất khả quan với kết quả đạt được chừng 28 điểm trở lên.
Chia sẻ về lý do chọn Học viện Quân y, Kim Anh chùng giọng: “Hoàn cảnh gia đình cháu đặc biệt khó khăn, mọi chi phí ăn học của ba chị em đều trông chờ vào đồng tiền còm cõi của bố quanh năm dãi dầu mưa nắng đi làm đá, làm thợ nề; mẹ chăm bẵm 3 sào lúa và vài sào rau muống. Cháu thi đỗ vào Học viện Quân y sẽ bớt đi phần vất vả cho cha mẹ và về tương lai công việc sau này cũng đỡ lo hơn”.
Anh Nguyễn Kim Thoa - bố tân thủ khoa Kim Anh tâm sự, rất day dứt vì phận làm cha mẹ mà để các con phải đối diện với cuộc sống thiếu thốn vật chất. Trước đây còn sức khỏe anh Thoa đi làm đá, mấy năm gần đây khi bước qua tứ tuần anh quay về làm thợ xây cho đỡ nhọc nhằn.
Bình quân mỗi ngày, anh kiếm được 150.000-200.000 đồng tiền công. Còn chị Hiền quanh năm gắn với đồng ruộng. Hết độ mùa màng chị lại quay sang chăm sóc 2 sào đất trồng rau muống. Chiều chiều chị hái rau mang ra chợ bán.
Trung bình mỗi tháng, vợ chồng anh Thoa kiếm được khoảng 6-7 triệu đồng. Một nửa trong số đó dành chu cấp cho cậu con trai thứ hai Nguyễn Kim Chung vừa hết năm ba Đại học Y Hà Nội. Cả nhà, bốn miệng ăn đều nhìn vào số còn lại.
Ánh mắt tự hào về cậu con trai vừa đỗ thủ khoa, anh Thoa tâm sự, trưởng thành trong gia đình khó khăn nên từ nhỏ Kim Anh đã biết cách sống tự lập. Nhà ở cách xa trường, mỗi ngày Kim Anh đều đạp xe tự đi. Hết giờ học, cậu tranh thủ ra đồng phụ mẹ hái rau muống, lúc rảnh rỗi, Kim Anh nấu cơm dọn nhà phụ cha mẹ.
3-5774-1406108784.jpg
Đỗ thủ khoa nhưng Kim Anh khá khiêm tốn, ngày ngày cậu trò nghèo vẫn miệt mài bên góc học tập.  Ảnh: Lam Sơn.
Cô Lê Thị Thủy, giáo viên chủ nhiệm lớp 12C6 trường THPT Hàm Rồng cho biết, Kim Anh được bạn bè và thầy cô quý mến vì bản tính hiền lành, kiên trì và cẩn thận. Khi thầy cô giao bài tập, em luôn hoàn thành từ bài dễ đến bài khó nhất chứ không chủ quan. Em được đánh giá là một trong những hạt giống của khối 12 nên đặt rất nhiều kỳ vọng. 
"Tôi đặc biệt ấn tượng với cậu học trò này vì tinh thần học tập nghiêm túc. Suốt ba năm, Kim Anh không bỏ một buổi học nào. Trong khi các bạn cách nhà 1-2 km đều đi học bằng xe đạp điện thì trung bình mỗi ngày Kim Anh phải đạp xe hai vòng (khoảng 40 km) đến trường. Thấy cậu học trò nhỏ (khoảng 40kg, cao chưa đầy 1,6 m) nhưng học rất giỏi, nhiều bạn trong trường tò mò tìm tới lớp 12C6 để "xem mặt", cô Thủy cho hay.
Lê Hoàng