Thứ Năm, 24 tháng 7, 2014

Hầu hết giáo viên trường bạo hành trẻ không có bằng cấp

Là trung tâm nuôi và dạy trẻ chuyên biệt, song phần lớn giáo viên ở Anh Vương không có bằng cấp và nghiệp vụ về nuôi dạy trẻ tự kỷ.
Ngày 23/7, Phòng Giáo dục quận Tân Bình, TP HCM, đã kiến nghị các cơ quan chức năng điều tra, xử lý trung tâm Anh Vương (phường 15, quận Tân Bình) về các sai phạm trong hoạt động kinh doanh. Những trẻ tự kỷ bị nhân viên ở đây bạo hành đã được kiểm tra sức khỏe để làm cơ sở xử lý các hành vi sai phạm cá nhân liên quan.
Trong số trẻ được nuôi dạy tại trung tâm Anh Vương có một em là con của chủ cơ sở, 12 em ở TP HCM và 14 trẻ còn lại đến từ các tỉnh Bình Thuận, Sóc Trăng, Long An... Hiện toàn bộ các em đã được cơ quan chức năng giao lại cho gia đình.
Ông Trần Khắc Huy, Trưởng phòng Giáo dục Tân Bình cho biết, trung tâm Anh Vương có 10 người tham gia giảng dạy và chăm sóc trẻ nhưng chỉ 3 người có bằng tốt nghiệp chuyên về giáo dục đặc biệt. Số còn lại đều không có bằng cấp, hoặc là làm trái ngành nghề đã học. Trong khi đó, với trẻ chuyên biệt, để nuôi dạy, ngoài việc có bằng cấp giáo viên phải có giáo trình và nghiệp vụ riêng.
anh-1-JPG-1255-1406103300.jpg
Ông nội của bé Kỳ Nam - một trong những bé bị bạo hành đến nhận hồ sơ và đồ dùng để chuyển cháu qua trung tâm khác. Ảnh: Nguyễn Loan.
"Sau vụ việc này chúng tôi sẽ kiến nghị với Sở Giáo dục ban hành quy chế hỗ trợ giám sát kiểm tra giữa Sở - Phòng và các cơ quan chức năng để có thể quản lý chặt chẽ hơn các hoạt động nuôi dạy trẻ ngoài trường công lập", ông Huy nói và cho biết quận Tân Bình đã chỉ đạo kiểm tra các cơ sở nuôi dạy trẻ ngoài công lập khác trên địa bàn.
Trung tâm Anh Vương được UBND quận Tân Bình cấp giấy phép hoạt động từ tháng 10/2009, do ông Chu Văn Việt làm chủ với chức năng nuôi dạy trẻ chuyên biệt. Quá trình hoạt động từ tháng 10/2009 đến tháng 12/2011, trường đã vi phạm nhiều quy tắc như không có hiệu trưởng điều hành quản lý chuyên môn; không đảm bảo đủ giáo viên và giáo viên không có bằng cấp chuyên môn.
Chủ trường tự ngưng hoạt động tại địa điểm được cấp phép và chuyển đến địa phương khác mà không thông báo cho cơ quan quản lý giáo dục và chính quyền địa phương; không đăng lao động cũng như chưa ký kết hợp đồng với người lao động; bảo mẫu nhà trường không có chuyên môn nghiệp vụ...
Sau nhiều lần kiểm tra, Quận đã đình chỉ và tước giấy phép hoạt động của Anh Vương. Chủ cơ sở này đã liên hệ với Sở Kế hoạch & Đầu tư TP HCM để xin giấy phép hoạt động với chức năng là nuôi dưỡng người già. Tuy nhiên, trên thực tế Anh Vương tiếp tục nhận giữ và dạy trẻ tự kỷ.
Là một trong những bé bị bạo hành, Phạm Kỳ Nam đã được ông nội chuyển sang trung tâm khác học. Sáng nay, ông nội Nam tới Anh Vương nhận hồ sơ và các vật dụng cá nhân của cháu. Ông cho biết, bố mẹ Nam chia tay từ khi cậu bé còn nhỏ. Nhận cháu về nuôi một thời gian, ông phát hiện dấu hiệu bất thường nên đưa Nam đến Bệnh viện Nhi đồng khám. Bác sĩ cho biết Nam bị tự kỷ tăng động khiến ông rất buồn và càng thương cháu hơn. Sau một thời gian dài tìm kiếm, ông quyết định đưa cháu vào gửi tại trung tâm Anh Vương từ 3 năm nay với mức học phí 8 triệu đồng/tháng.
"Chúng tôi chỉ mong tìm cho cháu một chỗ học để cải thiện tình hình, không ngờ nó lại bị giáo viên ở đây đánh đập", ông nội Nam chua xót nói.
Việc bạo hành trẻ của Trung tâm Anh Vương bị phát giác khi nhiều giáo viên, bảo mẫu dùng khúc gỗ, tay, móc sắt... đánh học sinh. Một người khác cho học sinh ăn nhưng em này chống cự nên dùng hai tay kẹp chặt để đồng nghiệp liên tục đút thức ăn. Nhiều sợi bún lọt lên mũi khiến em bị sặc.
Cũng tại phòng học này nhưng ở thời điểm khác, một giáo viên vừa giơ muỗng cơm lên vừa dùng tay tát, đè cổ đứa bé xuống để ép ăn. Thậm chí, có giáo viên vừa cười vừa dùng tay bóp bộ phận sinh dục của một bé khác mặc cho em này kêu khóc.
Công an quận Tân Bình đang điều tra dấu hiệu tội Hành hạ người khác của các bảo mẫu đánh đập các cháu bé.
Nguyễn Loan

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét